DÂN TỘC THÁI (THÁI TRẮNG)

GIỚI THIỆU

- Tổng quan chung

Ở Lai Châu, người Thái sống tập trung ở những khu vực ven sông, suối thuận lợi cho hoạt động sản xuất. Trong đó, người Thái trắng cư trú tại các huyện Phong Thổ, Mường Tè, Sìn Hồ, thành phố Lai Châu.

Có ý kiến cho rằng, tổ tiên của một bộ phận người Thái Trắng ở Tây Bắc nói chung, Thái Trắng ở tỉnh Lai Châu nói riêng là người Tày-Thái cổ. Vào đầu thiên niên kỷ I CN, tổ tiên của người Tày - Thái cổ đã từng tham gia vào việc xây dựng quốc gia Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương, sau đó, một bộ phận di cư sang phía tây, tách khỏi bộ phận gốc là người Tày hiện nay. Cho đến nay, yếu tố văn hóa Tày còn thể hiện rõ rệt nhất ở bộ phận Thái Trắng cư trú ở huyện Phong Thổ như mang họ Tày (Nông, Hoàng, Thùng/Đồng), có tết Xíp xí... Tuy nhiên, do cư trú xen kẽ với người Thái lâu đời, nên họ chịu ảnh hưởng các chuẩn mực văn hóa Thái.

Theo các tài liệu chữ Thái cổ thì ngành Thái trắng là con cháu của người Bạch Y cư trú ở miền Nam, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), thiên di sang miền Tây Bắc. Đến những năm đầu thiên niên kỷ thứ II Công nguyên, tổ tiên người Thái Trắng đã bắt đầu ổn định ở Mường Lay, Mường Tè. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ thứ XIII, họ mới làm chủ Mường Lay. Từ Mường Lay, một bộ phận tiếp tục phát triển thế lực sang các vùng Mường Chiên (Quỳnh Nhai) và Mường Chiến (Mường La), Bắc Yên, Phù Yên (Sơn La).

Mường So là một trong những trung tâm quy tụ người Thái Trắng. Trước thế kỷ XI-XII, Mường So đã có một bộ phận người Thái Trắng cư trú, về sau, mường này mới tiếp nhận bộ phận Thái Trắng khác thiên di từ Mường So Luông, Vân Nam (Trung Quốc) sang. Từ Mường So, các nhóm Thái Trắng tiếp tục thiên di đến hội nhập với các bộ phận Thái Trắng đã cư trú trước đó ở Than Uyên (Lai Châu), Văn Bàn (Lào Cai).

- Không gian bản

Từ năm 1954 trở về trước, xã hội cổ truyền của người Thái được tổ chức theo mô hình thiết chế bản-mường (gồm 2 cấp Mường-Bản). Đây là mô hình đặc trưng có tính xuyên suốt đối với cả ngành Thái đen, ngành Thái trắng.

Bản mường là thuật ngữ xã hội Thái được ghép bởi hai danh từ là bản và mường.

Mường là đơn vị kinh tế-xã hội được hình thành trong lịch sử. Sau các thế kỷ thiên di, cuộc sống cư dân Thái đã ổn định, nhiều bản hợp thành mường.

Trong cơ cấu tổ chức xã hội cổ truyền của người Thái thường phân chia thành mường lớn, mường nhỏ, trong đó bao giờ cũng có một mường trung tâm quy tụ các mường khác, gọi là mường luông; các mường nhỏ gọi là mường vảy.

Hiện nay, xã hội Thái đã có nhiều thay đổi so với trước năm 1954. Cơ cấu tổ chức xã hội bản-mường bị phá vỡ, tầng lớp quý tộc và chức dịch bị xóa bỏ, các tầng lớp nông dân được giải phóng, chính quyền nhân dân được thành lập, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, quan hệ dân tộc trên nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng và tương trợ được củng cố... do vậy, luật mường nay không còn phù hợp. Tuy nhiên, với cơ cấu xã hội bản - mường cổ truyền, quan hệ cộng đồng bản-mường luôn chi phối hành vi ứng xử của con người, nên trong việc tổ chức, điều hành, quản lý cộng đồng, chúng ta không thể không quan tâm.

- Không gian sống

Người Thái thường chọn vị trí cao ráo, thoáng mát để làm nhà sàn. Trong thiết kế, xây dựng nhà sàn truyền thống, theo quan niệm số lẻ tượng trưng cho sự vận động phát triển đi lên, còn số chẵn tượng trưng cho sự tĩnh tại. Người Thái cố tình tạo ra những số lẻ với mong ước về một cuộc sống có nhiều điều may mắn, tốt đẹp. Số bậc trên chiếc cầu thang nhà sàn thường là 5 bậc, 7 bậc, 9 bậc, số gian nhà và chấn song cửa sổ và cửa đi lại bao giờ cũng là số lẻ; số đòn tay trên mái nhà sàn có rất nhiều nhưng số lượng đòn tay ở hai mái không bao giờ bằng nhau. Nhà sàn Thái thường có hai cầu thang, nếu nhìn chính diện thì chiếc cầu thang ở mặt sau, bên trái là cầu thang phụ dành cho phụ nữ đi, còn cầu thang chính ở đầu nhà bên phải dành cho khách và nam giới trong nhà đi. Từ bếp đến hết cầu thang chính có một khoảng không gian để thờ tổ tiên và cột thiêng.

Mái nhà sàn của người Thái gồm 2 mái phẳng hình chữ nhật, 2 mái cong hình cánh quạt che 2 phía đầu hồi, nhìn từ trên cao xuống thì mái nhà có hình dáng giống mai con rùa. Trên cửa, song cửa, cửa sổ được trang trí bằng nhiều họa tiết tinh xảo; nhiều nhà còn làm lan can xung quanh sàn, trước cửa nhà bằng những thanh tre, gỗ hình quả trám hoặc đường song song, tạo cho ngôi nhà có dáng vẻ vừa trang nhã vừa chắc chắn.

Người Thái rất giỏi nghề mộc, họ cố định các chỗ nối, ghép, bằng lạt tre, giang, mây; dùng những đòn dầm xuyên suốt qua các lỗ đục của các cột. Do có sự cân đối, tính toán chắc chắn nên dù có vẻ thô sơ nhưng các ngôi nhà sàn lại rất chắc chắn, có thể chống chọi với gió, bão.

Trong ngôi nhà sàn Thái truyền thống, các vị trí có sự quy định rõ ràng. Giữa 2 hàng cột chính chạy song song trong nhà là khoảng không gian rộng dành cho sinh hoạt chung. Nơi ở của các thành viên được sắp xếp theo thức tự. Đầu tiên là gian dành cho con trai chưa vợ, khách nam, tiếp đến là vợ chồng gia chủ; vợ chồng con trai cả; vợ chồng con trai thứ 2, thứ 3. Trong nhà chưa có con dâu thì sau gian ngủ của chủ nhà, gian ngủ của con cái theo thứ tự từ lớn đến bé, từ nam đến nữ, vợ chồng con gái và con rể ở gian cuối cùng. Mỗi gian ngủ như vậy được phân chia một cách tương đối, ngăn khoảng cách bằng những chiếc màn bằng vải chàm màu đen.

Khu vực gầm sàn là một khoảng không gian khá rộng với nhiều tiện ích. Trước đây, gầm sàn là nơi nhốt gia súc, gia cầm; còn hiện nay thì gầm sàn thường để thóc, lúa, nông sản, để xe; làm sân chơi cho trẻ em và để khung cửi dệt vải...

Hiện nay, ở nhiều nơi, nhất là thị trấn, thị tứ, nhà sàn lợp gianh đã được thay bằng ngói; trước kia lát nền sàn bằng vầu thì nay thay bằng gỗ; phần gầm sàn được xây bằng tường che kín. Tuy nhiên, về cơ bản thì vẫn giữ được những nét độc đáo, riêng biệt, nhất là cấu trúc không gian ngôi nhà.

- Hoạt động sản xuất trồng trọt

Người Thái sống trong các thung lũng lòng chảo thường có sông suối chảy qua thuận lợi cho việc làm ruộng cấy lúa nước. Trên sườn núi là những khu ruộng bậc thang thuận lợi cho việc trồng lúa nương và các cây lương thực khác. Cùng với làm ruộng và làm 1 nương, người Thái còn có các hoạt động kinh tế khác như làm vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm các nghề phụ và cả săn bắn, đánh cá, hái lượm nữa.

Người Thái gọi những cánh đồng bằng phẳng ở thung lũng là “na”, từ đó làm các hệ thống mương phai tưới tiêu để cấy trồng lúa nước và coi đó là công việc quan trọng hàng đầu. Đồng bào Thái sử dụng cày bừa có sức kéo của gia súc cũng đã xuất hiện từ rất sớm.

Căn cứ vào địa hình, ruộng lúa nước của người Thái được chia thành các loại: ruộng bằng, ruộng bậc thang và vùng ruộng bằng với diện tích ruộng lớn tạo ra cánh đồng. Về độ phì nhiêu của đất thì ruộng bằng bao giờ cũng tốt hơn ruộng bậc thang ruộng sẵn nước bao giờ cũng tốt hơn ruộng chờ nước.

Các giống lúa của đồng bào Thái rất phong phú, trong đó các loại nếp tan (cấy ở chân ruộng đọng nước, nhiều mùn), nếp nhoi (cấy ở chân ruộng ít nước), khấu chăm, khấu sẻ (lúa tẻ) là phổ biến hơn cả.

Dù kỹ thuật cấy lúa nước đã ở trình độ cao, nhưng đồng bào Thái vẫn chú trọng đến việc canh tác trên nương vì đó là nơi tạo ra các loại lương thực bổ; làm cơ sở cho chăn nuôi phát triển, đồng thời còn cung cấp rau màu trong các bữa ăn hằng ngày và tạo nguyên vật liệu cho ngành dệt. Nương của người Thái được chia thành nhiều loại: nương dốc, nương bằng, nương một vụ, nương hai vụ, nương cày, nương chọc lỗ, nương lúa, nương ngô, nương sắn, nương khoai, nương rau, nương đậu, nương bông, nương dâu tằm.

Trang phục dân tộc

BẢN ĐỒ

Trang thông tin điện tử Dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu

Chịu trách nhiệm chính: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu

  • Tầng 5, nhà D, khu Trung tâm HC_CT tỉnh, P.Tân Phong, T.P Lai Châu
  • 02133.798.992
  • [email protected]

Theo dõi tại: