DÂN TỘC LÀO

GIỚI THIỆU

- Tổng quan chung

Người Lào còn có tên gọi là Thay, Thay Duổn, Thay Nguồn, Phu Thay, Phu Lào. Người Lào là một trong số 8 tộc người (Tày, Nùng, Thái, Lào, Lự, Lào, Bố Y, Sán Chay) thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (thuộc hệ ngôn ngữ Thai - Ka Đai) ở Việt Nam. Người Lào ở Việt Nam có hai nhóm địa phương là Lào Bốc (Lào Cạn) và Lào Nọi (Lào Nhỏ).

Cư dân của tộc người Lào hiện đang sinh sống ở vùng Tây Bắc nói chung, trong đó có Lai Châu, đã cư trú lâu đời ở các huyện, xã giáp biên giới hai nước Việt - Lào, có mối quan hệ lịch sử, văn hóa với người Lào ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam, tính đến thời điểm ngày 31-12-2018, dân tộc Lào ở Lai Châu có 1.355 hộ, 6.824 người, chiếm 1,51% dân số toàn tỉnh. Cư trú tập trung ở 2 huyện Tân Uyên và Tam Đường, trong đó: huyện Tân Uyên có 501 hộ với 2.443 nhân khẩu, huyện Tam Đường có 850 hộ với 4.366 nhân khẩu.

- Hoạt động sản xuất trồng trọt

Cũng giống như nhiều tộc người khác, cơ cấu kinh tế của người Lào ở Lai Châu chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Cây lương thực chủ yếu của họ là lúa khẩu na” (lúa ruộng). Có hai loại giống đó là: khẩu xẻ (lúa tẻ) và khẩu ón (lúa nếp). Trước đây, người Lào chỉ trồng lúa một vụ mùa vào tháng 6, tháng 7 (lịch của người Lào); nay trồng được cả vụ chiêm ở một số mảnh ruộng chủ động được nguồn nước. Theo lịch của người Lào, vào tháng 3, tháng 4 cấy lúa, đến tháng 7, tháng 8 gặt lúa chiêm. Sau đó tiếp tục cấy lúa mùa và đến tháng 12 thu hoạch. Năng suất lúa trung bình 300kg/1000m2.

Ngoài cây lúa, người Lào còn trồng ngô ở trên nương và trong vườn xung quanh nhà. Người Lào gọi cây ngô là xử đi, ngô nếp là xừ đi khẩu ón. Bên cạnh đó, họ còn trồng các loại cây như: cây sắn (măn co) cây khoai (măn ơ), cây đỗ (mắc thúa), cây lạc (mắc thúa hỏ). Vườn xung quanh nhà của người Lào thường trồng các loại rau xanh như: bí, đỗ, rau cải, su hào, cải bắp... đến các loại cây gia vị như: hành, tỏi, rau mùi, thì là... Bên cạnh các loại cây lương thực và cây hoa màu, người Lào còn trồng dâu, bông chàm. Cây bông chủ yếu được trồng ở trên nương cao, đất khô, thu hoạch vào 3, tháng 6 đến tháng 9. Cây dâu trồng một 5 lần vào tháng 3 ở những nơi đất ẩm n nhiều phù sa như ven suối hay cạnh |các khe nước. Cây chàm được trồng ở n những nương có đất tốt.

Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, người Lào đã biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Những giống lúa mới được sử dụng cùng với cải tiến kỹ thuật gieo mạ nền, bón phân đạm, kali, lân cho lúa ở các giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng... công cụ sản xuất như máy cày, máy bừa cũng được đưa vào sử dụng góp phần tăng năng suất gieo trồng.

- Không gian bản

Trước kia, xã hội người Lào tuy phụ thuộc hệ thống tổ chức hành chính của phong kiến Thái nhưng được tự quản ở cấp bản. Hiện nay, ở Lai Châu, người Lào sống định cư thành những bản đông đúc, tựa lưng vào chân núi, sườn đồi hoặc men theo các con suối, có những bản đông dân tới cả trăm nóc nhà. Mỗi bản có một người đứng đầu gọi là chẩu bản đại diện cho lợi ích cộng đồng. Thiết chế tự quản chi phối nhiều tới hoạt động kinh tế, đời sống tâm linh và đạo đức truyền thống. Người Lào quan niệm mỗi người có ba quan hệ họ hàng chính: Ải Noọng-Lung Ta-Nhinh Xao. Các dòng họ đều có tục kiêng cấm liên quan đến tô tem giáo.

- Không gian sống

Từ xa xưa, người Lào đã sinh sống trong những ngôi nhà sàn, nhìn từ bên ngoài gần giống với nhà sàn của người Thái, người Lự. Ngôi nhà sàn cổ truyền của người Lào thuộc loại nhà cột chôn, kết cấu vì cột, các vì được liên kết lại bằng xà dọc, các bộ phận được liên kết với nhau bằng ngoãm hoặc buộc bằng lạt mây, dây rừng. Mái nhà được thiết kế gần như riêng biệt với khung sườn nhà, kèo không liên kết với cột, mà lại tì lên xà dọc, điểm tỳ ở vị trí không phải nơi liên kết cột và quá giang. Sau khi dựng xong khung sườn nhà, lắp đặt xong dầm, sàn mới đặt kèo, đòn nóc, giàn đòn tay, rui, mè và lợp mái.

Những năm gần đây, người Lào bắt đầu dựng các ngôi nhà sàn cột kê tảng. Liên kết các bộ phận của khung nhà loại này thường bằng mộng xuyên, kết hợp với mộng thắt. Với ngôi nhà sàn kết cấu theo kiểu vì kèo: cột cái/cột quân-quá giang-kèo, kèo bắt buộc phải được lắp ráp tại nơi giao tiếp giữa cột và quá giang, các vì liên kết với nhau bằng xà dọc. Mỗi vì kèo kiểu này thường nhiều cột (4-5 cột), trong đó có những hàng cột cái.

Nhà sàn người Lào có hai cầu thang lên xuống đặt ở hai chái nhà. Theo tín ngưỡng của người Lào, để gia đình có nhiều vận may, nhà của họ thường có số gian, bậc cầu thang và số song cửa sổ, lan can là số lẻ.

Cách thức bố trí mặt bằng sinh hoạt trong ngôi nhà sàn của người Lào ở các bản tương đối thống nhất. Phía sau nhà là bàn thờ gia tiên và nơi ngủ; phía trước là gian tiếp khách, chỗ ngủ dành cho khách và nơi sinh hoạt thường ngày của gia đình. Nhà người Lào thường có hai bếp, một đặt ở gần sàn phơi và nơi rửa ráy, một đặt ở khu vực tiếp khách.

- Hoạt động sản xuất chăn nuôi

Trong chăn nuôi gia súc, người Lào chủ yếu nuôi trâu, ngựa. Trâu được tận dụng sức kéo và phân để bón ruộng là một vật nuôi có giá trị kinh tế cao, là một trong những tiêu chí phân biệt giàu nghèo giữa các hộ gia đình. Nhiều gia đình còn nuôi ngựa để dùng vào việc đi lại và chuyên chở. Các loại gia súc, gia cầm khác như: ngan, gà, lợn, vịt, chó mèo, dê... nuôi theo hình thức chăn thả, đem lại nguồn thực phẩm và giá trị kinh tế, tăng thêm thu nhập cho người dân khi trao đổi, mua bán.

BẢN ĐỒ

Trang thông tin điện tử Dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu

Chịu trách nhiệm chính: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu

  • Tầng 5, nhà D, khu Trung tâm HC_CT tỉnh, P.Tân Phong, T.P Lai Châu
  • 02133.798.992
  • [email protected]

Theo dõi tại: