DÂN TỘC MẢNG

GIỚI THIỆU

- Tổng quan chung

Tộc người Mảng có tên tự gọi là “Mảng Ư”. Có hai ngành: Mảng Lệ (cư trú ở vùng thấp) và Mảng Gứng (cư trú ở vùng cao). Người Mảng sống chủ yếu ở tỉnh Lai Châu. Bản làng người Mảng xen kẽ một số dân tộc Mông, Thái, Hà Nhì, Dao, Khơ Mú.

Người Mảng sinh sống chủ yếu ven hai con sông lớn là sông Đà và Nậm Na, địa danh Gium Bai được người Mảng coi là nơi phát tích của dân tộc. Hiện nay, ngoài nơi tập trung đông người Mảng nhất là xã Chăn Nưa, Pa Tần (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) và xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), người Mảng còn sống rải rác ở vùng Mường Tè (Lai Châu), Mường Lay (Điện Biên). Ngay trong nội bộ người Mảng họ cũng tự phân biệt mình thành Mảng lệ và Mảng gứng. Về cơ bản thì Mảng lệ và Mảng gứng không có gì khác nhau về tập quán sinh sống, hình thức canh tác... Mảng lệ dùng để chỉ những người ở vùng thấp, còn Mảng gứng dùng để chỉ những người ở vùng cao.

Hiện nay, dân tộc Mảng ở Lai Châu có 1.110 hộ, 5.674 khẩu, chiếm 1,26% dân số toàn tỉnh, sống tại 3 huyện là Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn. Trong đó: huyện Sìn Hồ là 32 hộ, 160 nhân khẩu; huyện Mường Tè là 218 hộ, 1.154 nhân khẩu; huyện Nậm Nhùn là 860 hộ, 4.360 nhân khẩu.

- Không gian bản

Muy là từ chỉ địa vực cư trú của người Mảng, thường ở những nơi có vị trí bằng phẳng, gần nguồn nước. Tên gọi của bản thường chính là tên dòng suối chảy qua bản. Xã Chăn Nưa có rất nhiều dòng suối nhỏ và người Mảng định cư ở gần những dòng suối như Huổi Va, Nậm Sập, Pá Bon, Pá Đản, Pá Sập, Nậm Vời...

Làng, bản của người Mảng không lớn, thường mỗi bản có khoảng 15-20 nóc nhà. Nếu bản nào có nhiều hộ thì cũng chia thành ba bốn chòm/xóm, mỗi xóm có khoảng chục nóc nhà. Họ dựng bản ở sườn núi/đồi có độ dốc vừa phải hoặc những nơi tương đối bằng phẳng. nhiên, do tập quán du canh, du cư vẫn còn tồn tại trong nếp sinh hoạt của người dân, nên phần lớn các bản đều lập ở nơi không thuận tiện về giao thông. Bản gần nhất cũng phải cách đường quốc lộ, tỉnh lộ khoảng 12-15km.

- Không gian sống

Người Mảng chủ yếu sống trong ngôi nhà sàn, điều này phù hợp với địa hình dốc trên rẻo cao. Quy mô ngôi nhà của người Mảng không lớn, gầm sàn cao không quá lm, chỉ đủ che cho lợn gà những khi mưa nắng. Phần trên sàn dành cho người ở cao khoảng từ 2-2,5m tính từ mặt sàn đến nóc. Chiều dài của ngôi nhà không theo một tỷ lệ nhất định nào so với chiều ngang.

Ngày nay, nhà của người Mảng vẫn là những ngôi nhà sàn truyền thống, có diện tích vừa phải, khá chật hẹp cho một gia đình có từ 3 thế hệ trở lên. Mỗi ngôi nhà không có sân, vườn, cổng riêng, họ dụng những khoảng trống quanh nhà để làm thêm chuồng gà (giản chưởi), nhà giã gạo (nhỏa đương).

Riêng đối với dụng cụ giã gạo, xuất hiện sau khi người Mảng bỏ thói quen du canh du cư. Nó là chiếc cối (mang voòng) được làm từ một khúc thân cây to, người ta khoét miệng và lòng cối có đường kính chừng 35cm, cao 60cm. Chiếc chày (pu pé) được làm thắt giữa, nở hai đầu, có chiều dài chừng 150cm, đường kính khoảng 10cm. Đây là công cụ quan trọng không chỉ trong đời sống hằng ngày, mà còn mang ý nghĩa tâm linh, người Mảng không thờ cúng tổ tiên, cũng như không theo một tôn giáo nào khác. Với người Mảng, chiếc chày, cối được dựng cùng ngôi nhà được coi là thiêng liêng, là thần nhà, là cai quản, bảo trợ trong gia đình.

Trang phục dân tộc

BẢN ĐỒ

Trang thông tin điện tử Dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu

Chịu trách nhiệm chính: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu

  • Tầng 5, nhà D, khu Trung tâm HC_CT tỉnh, P.Tân Phong, T.P Lai Châu
  • 02133.798.992
  • [email protected]

Theo dõi tại: