DÂN TỘC LỰ

GIỚI THIỆU

- Tổng quan chung

Theo Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam do Tổng cục Thống kê ban hành năm 1979 thì dân tộc Lự ở Việt Nam còn có tên gọi là: Lừ, Nhuồn (Duồn), Phù Lừ, thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (Tày, Thái, Nùng, Sán Chay, Giáy, Lào, Bố Y và Lự). Lừ hoặc Thay Lừ là tên tự gọi của đồng bào, chủ yếu cư trú tại tỉnh Lai Châu.

Theo nhiều nguồn sử liệu còn lưu lại đến ngày nay, cũng như những câu truyện kể còn lưu truyền trong dân gian, người Lự có vốn có nguồn gốc ở Xíp Xoong Păn Na (Vân Nam, Trung Quốc), di cư vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ XII sau công nguyên. Họ là một trong những cư dân có mặt sớm nhất tại vùng thung lũng Mường Thanh (tỉnh Điện Biên ngày nay). Trong quá trình đấu tranh sinh tồn và phát triển, họ đã để lại nhiều dấu ấn, chứng tích như thành Tam Vạn (Xam Mứn), ruộng Nà Lự…ở vùng này. Khoảng đầu thế kỷ XIII, thủ lĩnh Lạng Chượng đem quân từ Mường Lò tiến vào chiếm Mường Thanh, người Lự bị đẩy vào thế phụ thuộc và tiếp tục thiên di về phía nam, xuyên sang nước bạn Lào.

Theo một số tài liệu ghi chép được của người Lự thì họ đến Phong Thổ và Sìn Hồ thuộc tỉnh Lai Châu tương đối muộn, cách ngày nay chỉ 6 - 7 đời (thế kỷ XVIII), sinh sống tập trung tại hai bản Pặu và Phiêng Chá. 

Dân tộc Lự có tiếng nói riêng tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng. Trong giao tiếp giữa các thành viên họ vẫn sử dụng ngôn ngữ truyền thống, ngoài ra còn sử dụng tiếng phổ thông (tiếng Việt) để giao tiếp với các cộng đồng khác. Bên cạnh đó, họ còn học và sử dụng một số tiếng của người Thái, Lào, Mông.

Trước kia, người Lự có chữ viết cổ nhưng hiện nay hầu như không có người biết chữ nên không thể trao truyền, gìn giữ chữ viết truyền thống cho các thế hệ sau.

Hiện nay, dân tộc Lự ở Lai Châu có 1.378 hộ, 6.733 người, chiếm 1,49% dân số toàn tỉnh Lai Châu, phân bố tập trung ở 2 huyện đó là huyện Tam Đường và huyện Sìn Hồ, xen kẽ với người Thái, người Khơ Mú ở huyện Than Uyên. 

Trong đó, tập trung đông ở huyện Sìn Hồ với 764 hộ, 3.768 nhân khẩu; ở Tam Đường có 614 hộ với 2.965 nhân khẩu. Tại Tam Đường, người Lự tập trung chủ yếu ở xã Bản Hon, các giá trị văn hóa truyền thống người Lự nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét nguyên bản.

- Không gian bản

Bản của người Lự có khá nhiều điểm giống với bản người Lào, Thái, thường nằm ở vị trí băng phẳng, gần nguồn nước hoặc dọc theo các con suối nhỏ, mỗi bản có 20-50 hộ. Đất đai của bản được giới hạn bởi phạm vi đất đại của nương, rây, ruộng, nơi khai thác lâm sản và các con suối chảy qua. Đầu bản được quan niệm là nơi ma bán ngự trị-thường là một cây cổ thụ (cây đa hoặc gạo).

Trước giải phóng (năm 1954) các bản của người Lự chịu sự cai quản của tổ chức mường của người Thái. Hằng năm, các bản người Lự đều phải chịu lao dịch và cống nạp cho chúa đất Thái, dưới danh nghĩa “việc mường”. Họ không được tham gia vào các chức dịch trong mường mà chỉ được duy trì một số yếu tố tự quản theo phong tục, tập quán dân tộc.

- Không gian sống

Người Lự ở nhà sàn (hươn) có hai mái lợp gianh, mái chùm xuống nhiều. Trước đây, nhà có hai cầu thang (dành cho nam riêng, nữ riêng) nhưng nay chỉ có một (về phía đông-hướng mặt trời mọc). Một số nhà ban đầu làm hai cầu thang rồi lại ngăn kín và tháo bỏ đi 1 cầu thang. Nhà có các gian ngủ của bố mẹ (gian để thờ ma nhà) và gian ngủ của con cái, giữa các gian được ngăn bằng vải như của người Thái. Người Lự kiêng kỵ nhất việc người lạ vào khu vực các gian ngủ này. Nhà có hai bếp (1 bếp nấu ăn, 1 bếp đun nước), thông thường số lượng cột trong nhà của người Lự bao gồm năm hàng cột ngang và ba hàng cột dọc

Khác với nhà người Thái, người Lào, nhà người Lự có hai mái đầu hồi dốc hơn và kích thước nhà nhỏ hơn. Nhà thường có dạng hình chữ nhật và dạng gần hình vuông dài từ 12-15m, rộng 5 6m hoặc hơn với năm hàng cột ngang, ba hoặc bốn hàng cột dọc. Số cột trong mỗi vì kèo cũng khá đa dạng, thường từ năm đến bảy cột. Tùy thuộc vào số gian chính của nhà mà số cột có khi lên tới 16 cột (nhà ba gian) và 20 cột (nhà bốn gian).

Kết cấu của ngôi nhà sàn người Lự hoàn toàn nhờ vào hệ thống mộng cũng như cách ghép mộng. Các cột nhà được liên kết với nhau tạo thành khung cho ngôi nhà nhờ các thanh giằng. Cột được kê cách mặt đất bằng các phiến đá để vừa có tác dụng lấy mặt bằng vừa có tác dụng giữ độ bền cho chân cột. Trước đây, những cột nhà này đều được đẽo tròn, nhưng ngày nay đã có một số ngôi nhà được thay thế bằng các cột gỗ được vuông thành sắc cạnh. Nhà được quây kín bằng những ván gỗ bưng, có độ dày 2cm, rộng từ 20-35cm và được lắp khít với nhau.

- Hoạt động sản xuất trồng trọt

Mô hình nông nghiệp của người Lự gần giống như của người Thái là nông nghiệp thung lũng với kết cấu ruộng – rẫy. Người Lự ở Lai Châu sống ở vùng cao (từ 500-600m) so với mực nước biển, họ phải bỏ nhiều công sức và thời gian để khai phá những chân đồi, đồng thời kết hợp việc dẫn nước từ đầu nguồn khe suối về ruộng. Nhìn chung, cứ chỗ nào có đồi và nguồn nước thuận lợi thì người Lự tận dụng và khai phá thành những chân ruộng bậc thang, đôi khi cách xa nhà từ 2-5km. Quy trình làm đất trồng lúa ruộng nước của người Lự rất được chú trọng, đầu tư nhiều công sức và thời gian. Vì điều kiện địa hình phức tạp nên các con mương được đào lượn lách qua các sườn đồi, có khi phải dẫn nước qua ba đến bốn quả đồi mới về đến ruộng.

Người Lự ít sử dụng phân trâu, bò... vào sản xuất, nhất là trong trồng lúa. Duy chỉ có những thửa ruộng quá xấu thì một số gia đình có bón phân sau khi cấy một tuần. Ngày nay, nhiều gia đình đã sử dụng phân đạm, lân, kali trong quá trình chăm bón.

Người Lự đồng thời trồng cả lúa tẻ và lúa nếp (giống lúa địa phương). Các giống lúa này tuy năng suất không cao nhưng cho cơm thơm, dẻo và ngon. Hiện nay, phần lớn diện tích là những giống lúa mới như tạp giao, IR64... cho năng suất cao hơn, sản lượng đạt từ 2-4 tấn/ha, đảm bảo đủ lương thực.

Người Lự không phân biệt các công việc của đàn ông hay đàn bà. Thông thường, những công việc nặng nhọc chủ yếu đàn ông tự giác làm như cày bừa, đào mương, đốn gỗ làm nhà. Còn lại các công việc khác nam nữ đều có thể làm được như: gieo mạ, nhổ mạ cấy, gặt,...

Cùng với canh tác lúa nước, người Lự còn canh tác nương rẫy. Trước đây, nương của người Lự chủ yếu dành để trồng lúa, ngô nhưng hiện nay thường chỉ trồng sắn, ngô và một số cây hoa màu khác như lạc, vừng...

Công cụ sản xuất nông nghiệp của người Lự gồm: cày, bừa, cuốc, xẻng, xà beng, cuốc chim, liềm, dao... Bên cạnh đó còn có các dụng cụ bổ trợ như: gùi, dần, sàng, thúng, mủng, mẹt. Trâu là sức kéo chủ chốt, hỗ trợ đắc lực trong việc làm đất như cày, bừa.

- Hoạt động sản xuất chăn nuôi

Điều kiện môi trường đã tạo cho chăn nuôi phát triển nhưng cũng chỉ là nghề phụ của gia đình, nhằm mục đích lấy sức kéo phục vụ cho sản xuất là chính, một phần để làm thực phẩm phục vụ cho nghi lễ gia đình và cộng đồng, một phần đem bán. Những vật nuôi chính là trâu, bò, lợn, vịt, gà

Chăn nuôi trâu, bò, lợn có vị trí đáng kể trong kinh tế gia đình. Tập quán thả rộng trâu, bò từ lâu trở thành phổ biến, ngoài ra trâu, bò còn được chăn thả theo lối buộc dây cho trẻ em hoặc người già trông nom. Hiện nay, đàn lợn của nhiều gia đình đã quây chuồng nuôi cẩn thận hơn chứ không thả rông. Chuồng lợn được làm ở dưới gầm nhà sàn hoặc ở một góc vườn

BẢN ĐỒ

Trang thông tin điện tử Dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu

Chịu trách nhiệm chính: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu

  • Tầng 5, nhà D, khu Trung tâm HC_CT tỉnh, P.Tân Phong, T.P Lai Châu
  • 02133.798.992
  • [email protected]

Theo dõi tại: