- Tổng quan chung
Người Kháng tự gọi là Mơ Kháng, với các nhóm: Kháng Dẩng, Kháng Dón, Kháng Súa. Một số tự gọi là Háng (Ma Háng, Bủ Háng). Riêng nhóm Kháng ở Mường Tè, Lai Châu tự gọi là Brển. Người Thái gọi họ là Xá ham fys là cư dân phụ thuộc. Sau cuộc xác định thành phần dân tộc, năm 1979, thống nhất sử dụng tên gọi Kháng.
Người Kháng chủ yếu sinh sống trong địa bàn chạy dọc từ Mường Tè (Lai Châu), Mường Lay, Tuần Giáo (Điện Biên), cho tới Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Sông Mã (Sơn La)... Hiện nay, tại Lai Châu, người Kháng có 51 hộ với 211 người, chiếm 0,05% dân số toàn tỉnh. Họ sinh sống chủ yếu tại huyện Tam Đường.
- Không gian bản
Trước kia, nằm trong chế độ Phìa tạo của người Thái, nên người Kháng không có tổ chức xã hội riêng biệt. Nhìn chung, họ là cư dân lệ thuộc vào các chúa đất Thái. Nội bộ có sự phân hóa nhất định. Bản của người Kháng bao gồm vài ba chục nóc nhà quây quần bên chân núi hoặc ven các con suối. Mỗi bản có dăm ba dòng họ nhưng mỗi họ ở cùng một khu. Đứng đầu bản có quan cai, do dân bầu, được hưởng một số quyền lợi nhất định. Ngoài ra còn có hội đồng già làng, chủ tế và những người giúp việc. Bản có địa giới riêng, gồm đất thổ cư, thổ canh và rừng, có nơi thờ cúng và nghĩa địa chung. Hiện nay, là đời sống tự quản theo chế độ hành chính do Nhà nước ban hành chung.
- Không gian sống
Nhà ở của người Kháng là nhà sàn và họ gọi là nhá hoặc nha. Trước kia, khi du canh du cư, họ dựng những ngôi nhà đơn sơ bằng cây, một mái, lợp cỏ tranh, bên dưới là sàn ngủ, và gọi đó là nhá tụp la (nhà túp lều). Loại nhà 2 mái gọi là nhá kiêu lá, không phủ nóc, một mái nhô cao hơn, che úp lên đầu mái thấp. Nhà không có mái hai bên chái, có vách che xung quanh, có một cửa ra vào mở ở chính giữa hay bên chái thông với sàn phơi và cầu thang lên xuống. Còn khi định canh, định cư kinh tế khấm khá hơn, họ dựng những ngôi nhà sàn, cột kê... bền vững giống như nhà người Thái.
- Hoạt động sản xuất trồng trọt
Ở Lai Châu, bộ phận người Kháng làm ruộng thường cư trú ở những khu vực thấp, có thung lũng hẹp và có điều kiện về nguồn nước; thông thường họ là bộ phận người Kháng cư trú gần gũi với người Thái. Tuy nhiên, hầu hết người Kháng hiện nay vẫn canh tác nương rẫy đất dốc là chính và ngay cả những người có hoạt động canh tác ruộng, thì thu nhập từ canh tác nương rẫy vẫn chiếm vị trí quan trọng.
Ruộng của người Kháng phần lớn là ruộng bậc thang, phân bố dọc theo các dòng suối. Bà con thường chọn những nơi có nguồn nước, địa thế bằng phẳng, nhất là những nơi có đất màu đen để khai phá thành ruộng. Sau khi tìm được nơi ưng ý để làm ruộng bà con tiến hành phát quang, san lấp mặt bằng tạo thành các thửa ruộng dài, hẹp về chiều rộng.
Việc tưới tiêu cho đồng ruộng thường được tiến hành đơn lẻ do các thửa ruộng phân tán và tương đối nhỏ. Hai nguồn nước chính là nước mưa và nước dẫn từ suối qua hệ thống mương máng hoặc bằng ống tre nứa.
Trước đây, ruộng của người Kháng là ruộng trồng lúa một vụ. Gần đây, do được hướng dẫn kỹ thuật và lịch thời vụ của cán bộ khuyến nông, kết hợp với sử dụng các loại giống lúa mới ngắn ngày hơn so với các giống lúa truyền thống, bà con đã trồng hai vụ: vụ chiêm xuân, từ tháng 2 đến tháng 6 và vụ mùa, từ tháng 7 đến tháng 11. Theo họ, vụ chiêm xuân ổn định hơn vụ mùa, do thời tiết thuận lợi, năng suất cao hơn.
Nương trong tiếng Kháng gọi là kỷ hay kị. Người Kháng có rất nhiều loại nương, phân chia dựa vào loại cây trồng và độ màu mỡ của đất: nương lúa (ký ngúa), nương ngô (ký xi li, ký lý), nương sắn (ký quai), và nương đỗ (ký thua)- chủ yếu là đỗ đen (thủa phắc hăng), và nương ớt (ký ướt).
Thông thường, một hộ gia đình có từ 3-5 mảnh nương lúa và 8-9 mảnh nương ngô (mảnh nương nào bạc màu bà con để hưu canh; thời gian để hưu canh cho nương lúa khoảng 3-4 năm, và ngô khoảng 2-3 năm).
- Hoạt động sản xuất chăn nuôi
Chăn nuôi trong các gia đình người Kháng khá phát triển. Vật nuôi gồm gà, vịt, lợn phục vụ nhu cầu thịt, nhất là vật hiến tế trong cưới xin, tang ma hay các nghi lễ tôn giáo. Trước kia, người Kháng giỏi làm thuyền và đi thuyền độc mộc, thuyền đuôi én. Ngoài tiêu dùng, họ còn đem trao đổi với người Thái.
Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu
Chịu trách nhiệm chính: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu