DÂN TỘC SI LA

GIỚI THIỆU

- Tổng quan chung

Người Si La tự gọi mình là Cù Dé Xử. Trước đây, đồng bào còn có tên gọi khác là Khà Pé. Đây là cách gọi để phân biệt cách mặc váy cuốn ra phía sau của người Si La, khác với cách giắt váy về phía sau của người Thái. Còn Si La là tên gọi phổ biến và được dùng chính thức của dân tộc.

Si La là một tộc người ít nhân khẩu nhất trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Trong tài liệu của Viện Dân tộc học Việt Nam năm 1978, người Si La có trên 300 nhân khẩu, cư trú ở miền cực Tây Bắc, chỉ sống trong ba bản: Seo Hay, Sì Thâu Chải và Nậm Xin thuộc tỉnh Lai Châu. Hiện nay, người Si La tỉnh Lai Châu sinh chủ yếu ở huyện Mường Tè với khoảng 147 hộ, 581 nhân khẩu, chiếm 0,13 % dân số toàn tỉnh.

- Không gian bản

Người Si La có năm họ là: Hù, Pờ Lì, Li và Giàng, trong đó, hai họ Hà và Pờ chiếm số đông.

Trước ngày giải phóng (năm 1954), tổ chức xã hội của người Si La phụ thuộc vào tổ chức xã hội của các quan phong kiến người Thái. Mỗi bản có tạo bản, kỳ mục người Si La. Cai quản cả ba bản người Si La ở Mường Bum (Mường Tè) là một người Si La với chức sa quạ. Sa quạ là người thu thuế các bản trong phạm vi của mình, đôn đốc việc đi phu, đi phục dịch cho lý trưởng, chánh tổng là người giải quyết các công việc trong bản theo luật tục khi tạo bản không giải quyết được

Người Si La sống tập trung thành từng bản độc lập dựa vào địa hình rừng núi. Bản của họ thường ở nơi cao ráo, tương đối bằng phẳng, gần khe suối, có đường đi lại thuận tiện. Hướng chung của bản thường quay mặt về phía đông hay hướng ra sông. Hướng của từng nhà lại có thể khác nhau, tuỳ thuộc vào địa hình.

- Không gian sống

Người Si La ở nhà đất gọi là “dạ sơ”, có 1 gian 2 chái hoặc 2 gian và 2 chái nhỏ, mái thấp, lợp cỏ tranh đánh thành từng gắp, xung quanh bưng liếp đan bằng nứa. Mỗi nhà có một cửa ra vào. Riêng nhà của ông trưởng họ là có hai cửa, trong đó một cửa phụ ở gian trái chính, gần nơi đặt bàn thờ, dành cho anh em họ hàng thân thuộc vào thờ cúng tổ tiên. Mặt bằng trong nhà được bố trí thành bốn khu vực theo hai cấu trúc mặt bằng. Khu bếp nấu ăn và để các đồ dùng sinh hoạt quanh bếp lửa; có một góc nhỏ để đặt các ống đựng nước. Khu vực này chiếm toàn bộ chái nhà bên trái (theo hướng từ cửa chính nhìn vào), được ngăn tách ra và mở một cửa thông với gian chính. Khu vực sinh hoạt là một gian hoặc hai gian giữa. Tại giữa gian bên phải, có một bếp lửa (mì cố) được kê bằng ba hòn đá, trong đó có một hòn quay về hướng bàn thờ tổ tiên được gọi là “sì chi lo khọ”. Bếp sinh hoạt này được coi là bếp thờ. Trước đây, người ta cấm phụ nữ vào gần hay mang các đồ uế tạp vào khu bếp thờ. Ngày nay, bếp sinh hoạt này là nơi sinh hoạt và nấu ăn hằng ngày của gia đình. Khu vực thứ ba là khu ngủ được ngăn dọc theo chiều dài phía sau của hai gian chính và bằng một phần tư bề rộng. Khu vực này được chia làm hai buồng nhỏ: một buồng của vợ chồng chủ nhà, nơi có đặt một bàn thờ (si chi) làm nơi thờ cha mẹ, ông bà (bàn thờ tại nhà trưởng họ được treo cao trên chiếc cột ở gian chính). Bàn thờ là một cái giá bằng phên đan treo cao trên vách sau. Trên bàn thờ đặt đồ thờ cúng: một chén rượu nhỏ, một quả bầu khô. Buồng thứ hai là nơi ngủ của các con. Nơi ngủ của khách nằm ở chái nhà bên phải.

Người Si La thường chọn nơi cao ráo, gần nguồn nước, không gian thoáng đãng để dựng nhà. Sau khi chọn được đất, công việc làm nhà được tiến hành theo nhiều công đoạn. Tránh ngày sinh của chủ nhà, chọn những ngày nắng ráo, không có những điềm gở, để khởi công. Khi làm nhà, người ta đào hố chôn cột quân trước, cột cái sau. Dựng xong cột quân thì đặt quá giang (khứ tồ) và chôn hàng cột cái vào giữa rồi đặt xà nóc (bư tha lồ), đặt kèo (co) để tạo thành các cặp vì kèo có xà nóc giữ. Sau đấy là đến các việc đặt xà gồ (phè djo), đặt các loại xà khác (phè le), dui (ư nhi), mè (kè lẹ). Khung nhà được dựng thì lợp mái. Nguyên liệu lợp nhà là cỏ tranh (1 thè) khai thác từ rừng tranh tự nhiên. Sau khi lợp nhà xong, bà con họ hàng có thể ra về. Phần còn lại của công việc như đan phên, dựng vách ngăn và các công trình phụ khác do gia đình tự làm. Sau khi ngôi nhà hoàn tất, chủ gia đình phải xem ngày để tổ chức các nghi lễ như dỡ lán, lập bàn thờ, đặt bếp thờ và vào nhà mới.

BẢN ĐỒ

Trang thông tin điện tử Dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu

Chịu trách nhiệm chính: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu

  • Tầng 5, nhà D, khu Trung tâm HC_CT tỉnh, P.Tân Phong, T.P Lai Châu
  • 02133.798.992
  • [email protected]

Theo dõi tại: