DÂN TỘC GIÁY

GIỚI THIỆU

- Tổng quan chung

Người Giáy còn gọi là Pú Giáy hoặc Hún Giáy. Từ Hán và từ Pú đều có nghĩa là người. Người Tày, Thái gọi người Giáy là người Giảng. Người Kinh gọi người Giáy là người Nhắng, nhưng tên gọi này không quen thuộc trong dân tộc Giáy. Người Giáy còn chia thành nhóm Cùi Chu và Pú Nả. Giáy là một trong tám dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái, song vẫn có bản sắc văn hóa và những đặc trưng tộc người riêng. Ở Lai Châu, dân tộc Giáy có trên 25 nghìn người (số liệu năm 2016), tập trung tại các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên và thành phố Lai Châu. 

Người Giáy không có chữ viết riêng. Họ sử dụng chữ Hán, chữ Nho để trang trí trên khu vực bàn thờ tổ tiên ở gian chính nhà.

- Không gian bản + Không gian sống

Dù xa xưa, người Giáy ở nhà sàn, nhưng hiện nay ở Lai Châu người Giáy chủ yếu ở nhà đất, 3 gian và có thể làm thêm nhà bếp liền với nhà ở chính, cùng hướng với nhà ở chính. Nhà người Giáy có thể chia ra thành 4 cấp như sau

1- Cấp “thấp” nhất, là nhà cột chôn bằng gỗ tròn, cũng có thể gỗ vuông hoặc bằng cây mai, bương. Số gian có thể là 1 gian 2 chái hoặc đủ 3 gian, mái lợp gianh, rơm; vách bằng tre hoặc nứa đan. Trong nhà bố trí gác để đựng thóc, ngô, đồ đạc.

Để đảm bảo độ chắc bền chủ yếu người Giáy dùng lạt buộc các loại cây lại với nhau, cũng có thể luồn “phang” nếu là cột gỗ chắc chắn.

Nói chung, đây là loại nhà tạm hoặc do kinh tế gia đình còn eo hẹp. Chủ của loại nhà này chủ yếu là hai đối tượng thứ nhất là nhà quá nghèo; thứ hai là những đôi vợ chồng mới ra ở riêng, chờ làm nhà mới, khả năng kinh tế chưa cho phép hoặc nguyên vật liệu làm nhà chưa đầy đủ.

2- Cấp “vừa”, đó là nhà gỗ, có đá tảng kê với 3 hàng chân, để chống ẩm, chống mối, có xà, có “phang” luồn 3 gian, lợp gianh, rơm hoặc loại lá tre to, vách xung quanh bằng tre, nứa đan, bên trong có bố trí gác để thóc lúa, đồ đạc. Kết cấu loại nhà này khá vững chắc bởi các xà, phong luồn giằng giữa các cột với nhau. Loại nhà được gọi là “chả còng vái” (bộ cột chuồng trâu). Thời gian sử dụng khá lâu dài.

3- Cấp “cao hơn”, là loại nhà cột kê có đá tảng kê 5 hàng chân và có các cột con chồng lên nhau ở tầng gác trở lên, 3 hoặc 5 lớp, chủ yếu là 3 lớp. Người Giáy gọi là “Sram lạp ray” (ba lớp chõ-tầng cột chồng). Trên gác có thể làm lan can và đi lại từ gian này sang gian kia thoải mái.

Kết cấu của loại nhà này khá chắc chắn, nối giữa các cột, các lớp là xà và “phang” luồn. Mái lợp có thể bằng một nửa ngói gô thông, có thể gianh hoặc rơm, tường xung quanh được thưng bằng ván hoặc đan bằng tre, nứa theo kiểu lóng đôi. Chí ít hai bên cửa chính ra vào và bức giữa của gian chính, nơi đặt bàn thờ cũng được thưng bằng ván bào nhẵn hai mặt. Thời gian sử dụng rất lâu dài, trừ có biến động hoặc quá lâu bị hư hỏng, mới phải thay. Số lượng loại nhà này vào khoảng một phần ba số gia đình của một làng.

4- Cấp “cao nhất”, toàn bộ kết cấu như loại thứ ba, nhưng các “cột chồng” lên đến 5 hoặc 7 lớp; gác được lát gỗ, xung quanh tầng dưới, tầng trên đều thưng bằng ván mái có thể lợp toàn ngói gỗ thông hoặc chí ít cũng là hai phần ba, còn lại là gianh. Xung quanh cửa sổ có chắn song gỗ và ngôi nhà cao, rộng.

Chủ nhân của loại nhà này là gia đình giàu có. Số lượng loại nhà này chỉ chiếm từ 1-5% so với số gia đình của một làng. Ở vùng ít gỗ, hiếm tre vầu, người dân làm nhà trình tường bằng đất, mái làm bằng gỗ và lợp gianh hoặc rơm. Nhà to hay nhỏ cũng tùy hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình

- Hoạt động sản xuất chăn nuôi

Trong chăn nuôi, ngựa là con vật được người Giáy quý nhất trong các loài vật nuôi, dùng để thồ hàng, phương tiện đi lại. Thứ đến là trâu, bò, dùng để cày bừa, cho phân bón và là nguồn cung cấp thực phẩm. Tuy là tài sản của từng gia đình, nhưng gia súc lại được chăn thả tại một khu rừng chung và được rào giậu xung quanh cẩn thận. Trâu bò tự do đi lại, ăn cỏ trong khu rừng đó, vài ba ngày mới có người tới thăm nom. Đến khi cần cày bừa hay vận chuyển, gia đình mới đến đưa về chăm sóc thêm một vài ngày rồi sử dụng. Các loại gia súc quen thuộc (gà, vịt, ngan...), đồng bào cũng làm chuồng và chăn thả trên nương rẫy, có người trông nom và trông nom cả nương rẫy. Gần đây, đồng bào làm chuồng chăn nuôi gia súc gia cầm gần nơi ở hơn, nhưng không đưa hẳn về nhà.

BẢN ĐỒ

Trang thông tin điện tử Dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu

Chịu trách nhiệm chính: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu

  • Tầng 5, nhà D, khu Trung tâm HC_CT tỉnh, P.Tân Phong, T.P Lai Châu
  • 02133.798.992
  • [email protected]

Theo dõi tại: