DÂN TỘC DAO (DAO TIỀN)

GIỚI THIỆU

- Tổng quan chung

Hiện nay, người Dao ở Lai Châu có 11.483 hộ với 56.547 người, chiếm 12,53% dân số toàn tỉnh, sinh sống ở 6/8 huyện (trừ thành phố Lai Châu và huyện Than Uyên). Người Dao tập trung đông nhất ở huyện Sìn Hồ với 3.739 hộ với 16.869 người, ít nhất là huyện Mường Tè với 61 hộ, 281 nhân khẩu. Người Dao ở Lai Châu gồm nhiều ngành, nhóm khác nhau như: Dao tiền, Dao đỏ, Dao quần chẹt...

Các nguồn tư liệu liên quan bản thống nhất xác định rằng người Dao ở Việt Nam vốn có nguồn gốc ở Trung Quốc. Dựa vào trí nhớ, vào một số ít những gia phả của người Dao, có thể khẳng định rằng người Dao di cư vào Việt Nam qua nhiều thời kỳ, bằng nhiều đường và nhiều nhóm khác nhau. Theo đó, những bộ phận Dao cư trú ở phía Tây Bắc Bộ trong đó có Lai Châu khoảng thế kỷ XIII và đi theo đường bộ.

- Không gian bản

Người Dao ở Lai Châu là cư dân nông nghiệp trồng trọt, với hai phương thức: canh tác nương rẫy và canh tác ruộng nước. Nương là loại hình phổ biến ở hầu khắp các nhóm người Dao. Trải qua quá trình lịch sử, họ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong đời sống sản xuất.

Trước kia, người Dao sống du canh, du cư, nhưng hiện nay, làng bản của họ hầu hết đã định cư. Mỗi làng có khoảng 20-30 nóc nhà, lớn hơn tới 50-60 nóc nhà.

Gia đình là thành viên của cộng đồng bản, là một bộ phận quan trọng của dòng họ, là đơn vị sản xuất, đồng thời cũng là nơi trực tiếp duy trì và thể hiện các sắc thái văn hóa của tộc người Dao nói chung.

- Không gian sống

Để thích ứng với nơi định cư và canh tác lâu dài, nhà của người Dao có ba loại là nhà nền đất, nhà nửa sàn nửa đất và nhà sàn. Nguyên vật liệu làm nhà là gỗ, tre nứa, cỏ tranh, dây rừng do các gia đình tự khai thác lấy. Kỹ thuật làm nhà cũng khá đơn giản, nhà ngoãm chỉ cần chiếc rìu, con dao, còn nhà mộng thì mới cần thêm cưa, đục, bào. Người Dao không có thợ chuyên nghiệp làm nhà, khi gia đình nào làm nhà mới thì cả bản sẽ cử người đến giúp.

Nhà nền đất của người Dao thường thấy ở những nơi định canh làm nương hay định canh cấy lúa nước, chỗ sườn đồi thoai thoải hoặc những nơi tương đối bằng phẳng trên núi. Nhà nửa sàn nửa đất chủ yếu là của hai nhóm Dao đỏ và Dao quần trắng trước đây do sống du canh nên phải làm nhà trên nền đất rất dốc, vì thế, một phần nhà thì tựa lên nền đất, phần còn lại thì tựa lên các cột chống và phải làm sàn. Sàn cũng để thay thế cho chiếc giường nằm, còn phần đất tiện cho việc bếp núc và các sinh hoạt thường ngày

Nhà sàn là loại hình phổ biến ở các nhóm Dao chuyên canh cấy lúa nước. Nhà được dựng trên các gò đất thấp dưới chân núi, trong các thung lũng lòng chảo, gần đồng ruộng.

Các công trình phụ (kho thóc, các chuồng nuôi trâu, bò, lợn, gà...) của người Dao, tùy từng loại nhà mà có các cách bố trí thích hợp. Với nhà nền đất thì kho thóc được làm riêng để phòng hỏa hoạn, còn các loại chuồng trại thì đặt ở hai bên đầu nhà. Nhà nửa sàn nửa đất thì gầm sàn dùng để nhốt gà, lợn, trâu, bò thì làm chuồng riêng. Nhà sàn thì các vật nuôi đều nhốt dưới sàn, còn nếu làm kho thóc riêng thì trâu bò cho vào gầm kho thóc ấy. Trong khuôn viên nhà của người Dao đều có một khoảnh vườn trồng rau xanh, cây ăn quả. Những nơi rộng rãi, đồng bào còn đào ao thả cá, nuôi gia cầm như ngan, vịt.

BẢN ĐỒ

Trang thông tin điện tử Dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu

Chịu trách nhiệm chính: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu

  • Tầng 5, nhà D, khu Trung tâm HC_CT tỉnh, P.Tân Phong, T.P Lai Châu
  • 02133.798.992
  • [email protected]

Theo dõi tại: