- Tổng quan chung
Người Khơ Mú tự gọi mình là Khmụ, Kmh mụ hoặc Kừm mụ tuỳ theo cách phát âm ở từng địa phương. Những tên ấy đều có nghĩa là người hay cộng đồng người. Trước giải phóng Điện Biên năm 1954, người Khơ Mú thường được người Thái gọi là Xả hay Phủ Xả (người Xá).
Ngoài tên Xả/Xá, người Khơ Mú còn được các dân tộc khác gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Xá Cẩu, Khá Klẩu, Mảng Cẩu (người búi tóc ngược), Tềnh/Phu Thênh (người ở trên núi cao), Tày Hạy (người chuyên làm nương), Mứn Xen (ngàn vạn) v.v…Trong Danh mục thành phần các dân tộc ở Việt Nam công bố năm 1979, Khơ Mú trở thành tên gọi chính thức. Riêng ở Lào và Thái Lan, người Khơ Mú tự gọi là Kừmmụ, còn người Lào, người Thái gọi họ là Khạ, Bít, Lào Thơng.
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, người Khơ Mú hiện có số dân trên 8.000 người chiếm khoảng 2% dân số toàn tỉnh, trong đó cư trú chủ yếu ở ba huyện Tân Uyên, Sìn Hồ, Mường Tè.
- Không gian bản
Do tập quán sống du canh, du cư nên bản của người Khơ Mú trước đây không mang tính ổn định. Trước kia, mỗi bản Khơ Mú chỉ độ dăm chục nóc nhà. Cứ ở 3-4 năm thì chuyển dời chỗ khác. Cũng có những bản ở tương đối cố định 8-10 năm, nhưng vẫn du canh, nên các bản Khơ Mú trước kia hầu như không trồng các loại cây ăn quả lâu năm như mít, bưởi... Mỗi lần thay đổi nơi ở cũ đến nơi mới, bản lại được mang tên mới. Thường thì, tại những nơi ở mới, việc đặt tên bản hầu như mang tên tiếng Thái. Số lượng tên gọi bản dựa vào đặc điểm tự nhiên chiếm tỷ lệ khá lớn, còn tên gọi bản mang tên người hoặc tên dòng họ thì ít thấy. Trong bản, nhà cửa bố trí theo lối mật tập. Ngoài khu vực cư trú, bản còn có đất canh tác, rừng núi, sông suối, bãi chăn nuôi, nơi chôn cất người chết, các con đường mòn dẫn vào bản. Mọi thành viên sinh sống trong bản đều được phép khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên để mưu cầu sự sống, nhưng khi di chuyển đi nơi khác thì quyền đó cũng mất theo. Mỗi bản có ranh giới phân định, mốc ranh giới thường dựa vào các yếu tố tự nhiên như khe suối hay lối mòn; đỉnh núi hay cây cổ thụ. Tuy nhiên, các ranh giới được hình thành như trên cũng chỉ mang tính ước lệ; người bản này có thể làm nương trên đất của bản kia mà không hề bị xử phạt.
- Không gian sống
Nhà sàn là loại hình nhà ở chính của người Khơ Mú. Ở một số nơi thỉnh thoảng có những kiểu nhà nửa sàn nửa đất xen vào thì đó chỉ là ngôi nhà tạm trước khi làm nhà sàn.
Nhà sàn của người Khơ Mú đều có hai chái ở hai đầu hồi, còn ở giữa có một hai hoặc ba gian. Khung nhà gồm cột, kèo, dầm, xà, đòn tay là gỗ, tre nguyên cây và để cả vỏ. Vách nhà bằng phân t nứa, sàn lát bằng luồng, vầu đập dập. Nhà rất ít hoặc không trổ cửa sổ, còn cầu thang cũng chỉ làm một chiếc.
Vật liệu dựng nhà là các nguyên liệu lấy từ rừng. Kỹ thuật chủ yếu là ngoãm, chạc và dây, lạt buộc, còn công cụ chỉ là con dao và chiếc rìu. Gần đây, ở nhiều nơi người Khơ Mú cũng đã làm nhà sàn có cột kê, đục đẽo tua người Thái hay người Kinh. Cách bố trí mặt bằng sinh hoạt trong ngôi nhà của người Khơ Mú xưa nay thường có sự thống nhất theo vùng. Chái nhà bên phải là nơi đặt bếp thiêng, chỉ dùng để nấu nướng khi có việc hệ trọng. Chái nhà bên trái đặt bếp nấu thức ăn, có cầu thang lên xuống và cũng dùng để tiếp khách. Gian chính là nơi ngủ của các thành viên trong gia đình.
- Hoạt động sản xuất trồng trọt
Trồng trọt trên nương rẫy là hình thức canh tác chính của người Khơ Mú, trong đó có nương rẫy dốc và nương rẫy bằng, trồng lúa, ngô, sắn và các loại cây hoa màu. Nương rẫy bằng là hình thức định canh lâu dài của đồng bào, chỉ trồng lúa và ngô, còn nương rẫy dốc thì sau 3-4 năm đất bạc màu, bỏ hóa khoảng 9-10 năm mới quay lại canh tác tiếp.
Kinh nghiệm chọn đất của người Khơ Mú được đúc rút qua câu “Đất đen trồng lúa, đất đỏ trồng dưa”. Khi gieo lúa nương không những chọn giống kỹ, phù hợp với loại đất mà còn chọn các ngày tý, thìn, mão, dậu mới gieo. Khi gieo thì ngoài lúa, đồng bào còn xen thêm ngô, bầu, bí, khoai sọ, đậu vào để tận dụng diện tích, từ đó không những làm tăng thu hoạch mà còn có tác dụng giữ màu cho đất được bền hơn.
Trong một mùa vụ, đồng bào làm cỏ lúa tới hai lần, làm chòi thay nhau đến canh giữ, bảo vệ và làm các bù nhìn cùng hệ thống âm thanh để xua đuổi chim, thú phá hoại.
- Ao cá, khu bè cá lòng hồ
Đánh bắt cá trên sông suối cũng là một hoạt động phổ biến. Nam giới thì câu, quăng chài, kéo lưới, nữ giới thì dùng vợt xúc. Ban đêm, nhiều người còn hay dùng đèn, cầm dao đi theo sông suối để chém cá.
Bắt cá tập thể là cách đồng bào đắp chặn dòng suối để nước chảy xiết theo một dòng nhỏ rồi đặt đó, đơm ở dưới, cứ 5-7 ngày dỡ đó một lần, ít thì vài cân, nhiều thì hàng chục cân cá.
- Hoạt động sản xuất chăn nuôi
Chăn nuôi gia súc, gia cầm còn chưa phát triển, chủ yếu mới dừng ở mức tự cung tự cấp. Trước đây, trâu, bò, ngựa được đồng bào nuôi với số lượng ít, nuôi theo kiểu thả rông trong rừng, tối thì lùa về gần sàn. Gần đây, đồng bào làm chuồng riêng để nhốt. Một số hộ đã bắt đầu nuôi dê đàn. Lợn, gà được đồng bào nuôi phổ biến, nhưng số lượng không nhiều. Hầu như gia đình nào cũng có một vài con chó để đi săn và canh nương
- Ẩm thực
Nguồn lương thực dùng trong bữa ăn hằng ngày là: gạo, ngô, khoai, sắn; đó gạo (nếp và tẻ), ngô là chính; khoai, sẵn chủ yếu dùng để độn với gạo. Những khi giáp hạt, mất mùa, thì khoai, sắn, củ mài, củ nâu, bột báng là nguồn lương thực giúp họ vượt qua nạn đói kém. Nguồn thực phẩm dùng để chế biến thức ăn gồm: các loại thịt, cá, côn trùng, nhộng; các loại rau măng tự trồng hay thu hái trong tự nhiên. Tuy vậy, bữa ăn hằng ngày không phải lúc trong nào cũng có sự góp mặt của các món ăn chế biến từ thịt (nhất là thịt gia súc tự nuôi như lợn, gà, vịt).
Người Khơ Mú có tập quán ăn 3 bữa trong một ngày. Bữa sáng ăn phụ, bữa trưa và bữa tối ăn chính. Cũng có nơi, bữa sáng và bữa chiều là bữa chính, bữa trưa là bữa phụ.
Cũng như người Thái, người Khơ Mú chủ yếu ăn xôi nếp đồ (hmạ nưng). Tuy nhiên, họ thường ít khi làm xôi ngũ màu.
Các món chế biến từ thịt gồm: luộc, nướng, muối chua, sấy khô (aprui), nấu canh, rang, ăn tái, gỏi. Người Khơ Mú cũng có món xào, nhưng không phổ biến lắm. Trong các bữa ăn hằng ngày thì chủ yếu là rang, nấu canh hay xào, còn trong các dịp cưới xin, tang ma thì chủ yếu là luộc, nấu canh. Thường chỉ khi nào lượng thịt nhiều mới muối chua. Một trong những món ăn hợp khẩu vị nhất của người Khơ Mú là lam nhoọc hay còn gọi là ả chặn. Đây là một loại canh nấu bằng các loại thịt đã có mùi, trộn rau, bột sả nướng, tấm gạo và gia vị. Canh được nấu trong nồi hoặc cũng có thể đun trong ống nứa. Khi chín, canh thường sền sệt, ăn có vị béo ngậy, thường dùng xôi chấm hoặc ăn với cơm tẻ. Người Khơ Mú cũng có món brịa, ruột non của các loại thú ăn cỏ như kiểu nặm pịa của người Thái. Ruột non trộn gia vị (gừng, bột sả, hạt tiêu rừng, muối, ớt), đun sôi chấm với rau luộc, rau tươi, chấm xôi. Một cách làm nữa là dùng ruột non gác bếp, sau đó nấu với môn, măng tươi.
Các món chế biến từ cá gồm: nướng rang, nấu canh (cá không hoặc trộn rau, măng, tấm), muối chua, đồ (khi có nhiều cá). Ngon nhất và phổ biến nhất là cá nướng hay cá lam trong ống nứa. Thường thì các loại cá trắng, có vẩy thì nướng, còn cá đen, da trơn thì nấu canh hoặc rang. Món ruột cá trộn gia vị vài gio bếp, dùng để chấm xôi cũng rất được ưa chuộng.
Các món chế biến từ nhuyễn thể thường là nấu canh, rang với mẻ, làm chẻo (cá con, cua, nòng nọc). Các món chế biến từ rau gồm: nấu canh, luộc, đồ, nướng, làm nộm, muối chua, vùi gio hay sau này có thêm vào.
Nói đến đồ uống truyền thống của người Khơ Mú, không thể không nhắc đến rượu cần (bụi xà). Đây cũng loại rượu rất được ưa chuộng.
Hiện nay, bên cạnh các món ăn truyền thống, người Khơ Mú cũng đã biết chế biến và ăn các món ăn theo cách chế biến của người Kinh như các món xào, rán, nộm... xuất hiện trong các đám cưới, liên hoan cộng đồng.
Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu
Chịu trách nhiệm chính: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu