DÂN TỘC LA HỦ

GIỚI THIỆU

- Tổng quan chung

Người La Hủ là một trong số các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến cùng với các dân tộc Hà Nhì, Phù Lá, Lô Lô, Cống, Si La. Địa bàn cư trú của người La Hủ là cả một khu vực rộng lớn thuộc vùng tiếp giáp giữa các quốc gia Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Mianma.

Ở Việt Nam, người La Hủ sống tập trung tại 44 bản thuộc 5 xã (Pa Vệ Sử, Pa Ủ, Ka Lăng, Bum Tở và Nậm Khao) của huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu. Các xã này đều nằm ở vùng có độ cao trung bình từ 500 - 1.000m và có độ dốc lớn. Bản làng của người La Hủ do vậy đều nằm trên các sườn núi, gồm các khe nước chảy từ trên cao xuống.

Người La Hủ ở Lai Châu có nguồn gốc từ nhánh người La Hủ của hai huyện Kim Bình và Lục Xuân của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Những người La Hủ đầu tiên đến cư trú mới cách đây khoảng 10 đời.

Theo số liệu điều tra dân số 01-4-1989, dân tộc La Hủ có 5.319 người.

Hiện nay, dân tộc La Hủ là một trong những dân tộc có số người rất ít. Số dân của người La Hủ ở Lai Châu hiện tại là hơn 1 vạn người, chiếm khoảng 2.67% dân số của tỉnh Lai Châu, đứng hàng thứ 8 dân số toàn tỉnh. Dân tộc La Hủ tập trung ở các xã của huyện Mường Tè (xã Nậm Khao: 481 người; xã Ka Lăng: 1203 người; xã Pa Vệ Sử: 2092 người; xã Pa Ủ: 2463 người; thị trấn: 19 người; xã Bum Tở: 2453 người). Số lượng dân tộc La Hủ chiếm 19% dân số của huyện, xếp sau dân tộc Thái (31,29%) và dân tộc Hà Nhì (23,67%).

- Không gian bản

Trước kia, do đời sống du canh du cư, nên bản của người La Hủ thường chỉ gồm vài ba nóc nhà, nằm khuất nẻo tại những vùng núi non hiểm trở. Từ khi định canh định cư, đồng bào mới lập thành những bản có vài chục nóc nhà, trong đó, hai, ba dòng họ cùng chung sống. Quan hệ hàng xóm láng giềng giữ vai trò chủ đạo. Quan hệ dòng họ chỉ có vai trò trong hôn nhân (trong họ không được lấy lẫn nhau), còn việc cúng giỗ chung thì dường như thiếu vắng (trừ nhóm La Hủ Na).

Gia đình người La Hủ chủ yếu thuộc loại hình hai thế hệ (cha mẹ và con cái). Tập quán của đồng bào là gia đình phụ hệ: sau ngày cưới, vợ ở hẳn bên nhà chồng. Chủ gia đình là nam giới, tài sản chia cho các con trai, con gái nhận của hồi môn. Trong gia đình La Hủ, chỉ có con trai mới được thừa hưởng tài sản của cha mẹ.

- Không gian sống

Trước đây, người La Hủ chủ yếu sống trong nhà tạm, gần giống như các lều chòi làm để canh nương. Khi công cuộc định cư định canh đã cơ bản hoàn thành (vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX), thì các bản của người La Hủ đã đông vui dần, đời sống kinh tế của các hộ ổn định hơn, nhà cửa cũng kiên cố và rộng rãi hơn.

Nhà của đồng bào La Hủ thường có hai hoặc ba gian và hai chái, xung quanh thưng phên dày, còn mái lợp bằng cỏ tranh. Bên trong ngôi nhà được chia thành hai lớp trong, ngoài, có phên nứa ngăn cách ở giữa theo chiều dọc nhà. Lớp trong được ngăn thành các luồng nhỏ. Buồng phía bên phải dành cho khách, phía bên trái là nơi nghỉ của chủ nhà (bố mẹ), cũng là nơi thờ tổ tiên. Ở giữa có thể làm thành một hoặc hai buồng là nơi nghỉ của các con cái. Cột ma (hay cột thiêng) đặt ở chỗ giao nhau giữa vách ngăn theo chiều dọc nhà và vách ngăn giữa buồng cha mẹ và buồng con cái. Lớp ngoài, đối diện với phòng của chủ nhà là nơi đặt bếp, đối diện với phòng con cái là nơi để các đồ gia dụng.

- Hoạt động sản xuất trồng trọt

Trước ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng người La Hủ không biết làm ruộng nước. Trồng trọt nương rẫy được coi là hoạt động kinh tế chủ đạo, là nguồn sống chính của họ. Nhìn tổng thể, nương (ha/da) của người La Hủ là loại nương đa canh với các cây trồng chính là lúa (chà) và ngô (sa ma); bên cạnh đó, còn có các loại rau đậu, bầu bí, khoai sọ, bông, chàm... Những năm gần đây, cây sắn nhanh chóng được phổ biến rộng rãi. Quy trình làm nương của người La Hủ hoàn toàn giống như ở các tộc người du canh nương rẫy khác, nghĩa là cũng theo các công đoạn: phát nương, đốt nương tra hạt, chăm sóc và thu hoạch. Người La Hủ chọn nơi phát rẫy trên các cánh rừng già có độ dốc thấp, ở gần nguồn nước. Thời điểm phát nương phụ thuộc vào khu vực địa lý, khí hậu của từng vùng, và đặc điểm sinh học của các giống cây trồng cụ thể. Nương lúa bao giờ cũng được phát trước, sau đó đến nương ngô, cuối cùng là nương đỗ tương và nương chàm.

Trên nương, lúa (chà) là cây lương thực chính và phổ biến ở cả hai nhóm địa phương của người La Hủ. Từ lâu, bằng kinh nghiệm trong cuộc sống họ đã chọn được cho mình nhiều giống lúa có năng suất ổn định và thích ứng tốt với môi trường tự nhiên. Các giống lúa của họ không chỉ được chia theo hai dòng-nếp và tẻ-mà còn có các loại giống sớm muộn khác nhau.

Lúa tẻ (chà sư), có các loại tẻ đỏ như chạ sư nhi, alu chu, klỗ giẻ; các loại tẻ trắng như chạ sư phu, mà cú vị già, mà cù đò ma, chà phu, chà na,... Trong dòng này còn có chà hồ cù là một giống lúa muộn, có năng suất tương đối cao, chịu được sâu bệnh, cho gạo trắng và thơm.

BẢN ĐỒ

Trang thông tin điện tử Dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu

Chịu trách nhiệm chính: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu

  • Tầng 5, nhà D, khu Trung tâm HC_CT tỉnh, P.Tân Phong, T.P Lai Châu
  • 02133.798.992
  • [email protected]

Theo dõi tại: