DÂN TỘC HÀ NHÌ (CHỒ CỒ)

GIỚI THIỆU

- Tổng quan chung

Người Hà Nhì có tên tự gọi là Hà Nhì Già (người Hà Nhì). Trước kia, tên gọi của họ phổ biến là Xá, Mán, hay Xá U Ní, Mán U Ní, U Ní. Từ năm 1954 và sau này trong Bảng danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam công bố năm 1979 đã thống nhất dùng tên tự gọi của đồng bào là Hà Nhì làm tên gọi chính thức của dân tộc.

Người Hà Nhì vốn không có chữ viết nên gia phả, những kinh nghiệm thường được những người già truyền lại cho con cháu-những người “giữ bàn thờ tổ tiên theo lối truyền khẩu và người được truyền sẽ phải lưu giữ gia phả dòng họ suốt đời mình bằng trí nhớ.

Tính đến ngày 31-12-2018, người Hà Nhì ở Lai Châu có 3.313 hộ với 16.003 người, chiếm 3,55% dân số toàn tỉnh. Người Hà Nhì sống tập trung chủ yếu ở Mường Tè và Phong Thổ. Ở Mường Tè có 1.888 hộ, 8.623 người, ở Phong Thổ có 1.205 hộ với 6.434 người.

- Không gian bản

Bản tiếng Hà Nhì gọi là Phu. Bản người Hà Nhì ít khi xen kẽ với dân tộc khác. Tên bản thường được đặt theo nhiều tiêu chí khác nhau; có khi đó là những đặc điểm xuất phát từ sự nhìn nhận trực quan. Chẳng hạn, bản Mù Cả (trung tâm của xã Mù Cả) theo phát âm của người Hà Nhì là Mò Cá nghĩa là đường ngựa đi (Mò nghĩa là ngựa, Cá nghĩa là đường); hay như địa danh Ka Lăng-người Hà Nhì gọi là Gạ Noong nghĩa là ao lợn đằm (Gạ nghĩa là con lợn, Noong nghĩa là ao-từ mượn tiếng Thái); Thu Lũm-người Hà Nhì gọi là Tu hlố nghĩa là bãi ngô (Tu là ngô, H’lu là bãi); Ló Mé nghĩa là đầu nguồn; hoặc cũng có thể do đến định cư sau người Thái nên tên bản được đặt bằng những từ theo tiếng Thái như Nậm Lọ, Nậm Hạ, Nậm Lèn...

Bản của người Hà Nhì thường nằm trên lưng chừng núi. Nơi được chọn để đặt bản bao giờ cũng phải đảm bảo được ba yếu tố cần và đủ cho cuộc sống của cộng đồng dân cư là rừng để khai thác phục vụ đời sống; thổ cư để ở; nguồn nước gồm suối hoặc sông để kiếm cá, lấy nước sinh hoạt và nước mạch dùng để uống, nấu ăn.

Trước đây, khi còn sống trong điều kiện du canh, du cư, bản của người Hà Nhì thường có quy mô nhỏ, ít thì 5-6 nóc nhà, nhiều cũng chỉ không quá 20 nóc nhà. Ngày nay, do đã định canh định cư nên các bản ngày càng mật tập hơn

- Không gian sống

Ngôi nhà-tiếng Hà Nhì gọi là Lạ kho. Ngôi nhà truyền thống của người Hà Nhì là nhà trình tường nền đất với vật liệu chính là đất, đá cuội và tre, gỗ, cỏ tranh. Vị trí được chọn để làm nhà thường là một chỗ có mặt bằng khá rộng nơi sườn núi. Nền nhà được tôn cao hơn mặt đất 30-40cm, xung quanh có thể có hoặc không kè đá. San nền xong, người ta sẽ tiến hành trình tường sau khi đã cúng xin thần linh, thổ công và xin tổ tiên phù hộ.

Đất để trình tường thường là loại đất sét vàng trộn với đất mối đùn cho mịn tường nhà. Đất được đổ nước cho ngấm, được nhào bằng chân cho ngấu rồi để ủ trong ba ngày, ba đêm. Việc trình tường được thực đều trên cả 4 mặt tường và các bức vách chia ngăn (gian), thứ tự lần lượt từ dưới lên trên cho đến khi cao tới 3-4m là được. Khi trình tường, ngoài việc đổ đất, còn ken thêm những tảng đá cuội dày 30-40cm khiến cho các bức tường rất vững chắc. Sau đó, dùng cỏ tranh để lợp mái sau khi đã làm xong một lớp trần bằng tre có trát bùn nhão ở trên. Lớp trần này vừa có tác dụng làm kho chứa đồ, nhất là lương thực, vừa có tác dụng chống nóng và chống hỏa hoạn, bởi nếu gặp hỏa hoạn, mái cỏ tranh khô bén lửa thì lớp bùn nhão khô trát trên lớp trần sẽ ngăn không cho lửa cháy lan xuống dưới.

Không gian sinh hoạt bên trong ngôi nhà được chia làm hai phần. Phần lưng nhà là buồng ngủ cả gia đình. Số gian buồng tùy thuộc vào số người trong nhà ít hay nhiều, đây còn là nơi để đặt bếp nấu. Nửa ngoài là không gian dành cho khách với giường ngủ và bếp sưởi. Ngoài cùng là một hành lang rộng khoảng 2-3m để những người phụ nữ ngồi dệt vải, may vá, thêu thùa.

Nhà trình tường của người Hà Nhì là kiểu nhà khá đặc trưng trong vùng và cũng là kiểu nhà thích hợp với điều kiện sống trước đây. Ngày nay, phần nhiều là kiểu nhà vách tre, gỗ nền đất. Với những ngôi nhà dạng vách tre, gỗ cũng được tôn cao nền và kè đá xung quanh như dạng nhà trình tường có rãnh thoát nước xung quanh nền để tránh úng ngập. Bố trí bên trong ngôi nhà thường được chia làm ba gian chính. Gian giữa là nơi tiếp khách và sinh hoạt chung cho cả nhà. Hai gian hồi dùng làm không gian nghỉ ngơi cho các thành viên trong gia đình. Nếu nhà đông người, hai gian ấy cũng có thể chia làm nhiều buồng ngủ riêng biệt. Bên ngoài không gian ngôi nhà chính cũng bao gồm chuồng chăn nuôi ngựa, lợn, gà và bếp nấu ăn

- Ẩm thực

Trong ngày, người Hà Nhì thường ăn 3 bữa: bữa sáng và bữa chiều là bữa chính, bữa trưa là bữa phụ. Bữa sáng thường nấu để ăn cả sáng và trưa. Bữa sáng thường được ăn nhanh để còn kịp đi làm. Bữa trưa ai tiện đâu thì ăn đấy với cơm và thức ăn. Bữa tối là bữa chính, thời gian cả gia đình đoàn viên.

Cơ cấu bữa ăn của người Hà Nhì khá đơn giản, thường có cơm, vài món canh rau, măng hay những sản phẩm thu được từ các hoạt động săn bắt, hái lượm. Mỗi khi có đại sự, đồng bào thường chế biến các món thịt theo kiểu luộc, xào, nấu... kèm theo một số loại rau rừng hoặc măng.

Đồ uống của người Hà Nhì có chè được chế biến từ một số loại lá rừng có tác dụng giải khát, bổ máu và thanh nhiệt như xả (Pò phi), hạt thảo quả (Gò xó á nự), xả kha lạ pẹ (chè rừng) và đặc biệt là Tú lẹ lo a pạ là loại chè chỉ có ở Ka Lăng có hương vị đặc biệt thơm ngon mà cư dân trong vùng quen gọi là chè cất (chí pà) và rượu cái (chí pà chí pê).

BẢN ĐỒ

Trang thông tin điện tử Dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu

Chịu trách nhiệm chính: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu

  • Tầng 5, nhà D, khu Trung tâm HC_CT tỉnh, P.Tân Phong, T.P Lai Châu
  • 02133.798.992
  • [email protected]

Theo dõi tại: