DÂN TỘC MÔNG (MÔNG TRẮNG)

GIỚI THIỆU

- Tổng quan chung

Người Mông ở Lai Châu cũng có đủ 5 ngành chính, được phân bổ ở các địa bàn như sau:

Nhóm Mông Trắng (Mông Đơư) là ngành có dân số đông nhất, chiếm trên 60% số người Mông toàn tỉnh, cư trú ở 8 huyện, thành phố tập trung nhất ở các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Than Uyên. Ở Sìn Hồ, họ sống tập trung chủ yếu ở 2 bản cao nhất của xã và một bản vùng thấp giáp xã Chăn Nưa, xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn, không xen lẫn với các dân tộc khác. Nhóm Mông Trắng chủ yếu sống ở vùng cao, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, độ cao từ 1000 - 1600m.

 Nhóm Mông Hoa (Mông Lềnh) cư trú ở các huyện Tam Đường, Tân Uyên.

 Nhóm Mông Đen (Mông Đu) cư trú ở các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ.

 Nhóm Mông Đỏ (Mông Si) chiếm tỷ lệ nhỏ, sinh sống trên địa bàn các xã Dào San, Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ.

Nhóm Mông Xanh (Mông Sua) chiếm tỷ lệ nhỏ, sinh sống ở bản Ma Sang, xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn. 

Tuy phân biệt thành 5 ngành Mông khác nhau, nhưng cơ bản giống nhau về văn hóa, phong tục, tập quán. Sự khác nhau giữa các ngành này chủ yếu dựa trên trang phục của người phụ nữ.

Tại Lai Châu, tính đến thời điểm 31-12-2018, dân tộc Mông có 19.320 hộ, 106.090 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 23,51% dân số toàn tỉnh; sinh sống tại 8 huyện, thành phố. Trong đó, thành phố: 540 hộ, 1.334 nhân khẩu; huyện Tam Đường: 3.982 hộ, 20.834 nhân khẩu; huyện Than Uyên: 1.241 hộ, 7.029 nhân khẩu; huyện Tân Uyên: 1.844 hộ, 10.506 nhân khẩu; huyện Phong Thổ: 3.950 hộ, 21.361 nhân khẩu; huyện Sìn Hồ: 5.142 hộ, 28.701 nhân khẩu; huyện Mường Tè: 1.070 hộ, 7.174 nhân khẩu; huyện Nậm Nhùn: 1.551 hộ, 9.151 nhân khẩu.

- Không gian bản

Tên làng của người Mông thường đặt theo đặc điểm địa lý tự nhiên, như bản Mô Cổng (bãi nước ngầm), Tào Hùa Cháng (rừng hoa ban)... Các bản người Mông đến cư trú sau người Thái thì đặt tên bản theo người Thái như Nậm Giắt, Phiêng Luông, Pa Khôm...

Tùy theo điều kiện địa hình, các làng có kiểu phân bố khác nhau. Có làng phân bố lẻ tẻ, chỉ gồm vài ba nóc nhà ở rải rác ven rừng, sườn núi. Có làng phân bố mật tập, gồm vài chục hộ gia đình. Hiện nay, có những làng người Mông lên đến hàng trăm hộ. Đây là kiểu phân bố của các làng đã định cư ở những khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng.

Ngoài khu vực cư trú từng bản còn có đất đai để canh tác và khai thác riêng (rừng núi, nguồn nước, nghĩa địa...), được xác định bằng ranh giới qua sự thỏa thuận miệng giữa người làng này với người làng khác. Mốc ranh giới phân định địa phận dựa theo địa hình tự nhiên, như hòn đá, con đường, hẻm núi, đỉnh núi, con lạch, gốc cây to, ngã ba đường,... Mặc dù ranh giới này chỉ mang tính ước lệ, nhưng được mọi người tôn trọng và duy trì. Việc xác định mốc ranh giới thường do các hội đồng già làng giữa các làng có liên quan cùng ngồi thống nhất với nhau. Đây là cách phân định phi quan phương vì không có sự tham gia cùng xác định và công nhận ranh giới của nhà quản lý. Bên cạnh đó cũng có phân chia ranh giới theo bản đồ nhà nước

- Không gian sống

Dân tộc Mông chủ yếu sống trên các sườn núi cao, khí hậu lạnh, khắc nghiệt, gắn liền với không gian rừng... thì ngôi nhà trình tường thưng bằng ván gỗ, vách nứa hoặc xếp đá, lợp tranh là phù hợp nhất với điều kiện sống và nguyên vật liệu sẵn có, vừa giữ ấm về mùa đông, mát mẻ về mùa hè, vừa có thể chống được kẻ gian, thú giữ.

Người Mông thường dựng nhà theo địa hình, hướng tây hoặc hướng bắc, trên các sườn núi, phía trước có suối, phía sau có núi. Trước khi dựng nhà, người ta phải xem xét đất được chọn là đất lành hay đất xấu. Họ đào ba cái hố, một hố nơi định đặt bàn thờ tổ tiên, một hố nơi định để bếp lò, một hố nơi định làm phòng khách. Sau đó đặt ba bát gao (hoặc bát ngô) xuống mỗi hố rồi lấy bát úp lên. Sáng hôm sau mở ra, nếu những t gạo không thay đổi vị trí, không mốc hoặc bị gặm nhấm là đất tốt, ngược lại là xấu. Trường hợp hạt gạo bị kiến hoặc con gì tha đi mất là đất cực xấu.

Sau khi chọn đất tốt, đất lành, người ta tiến hành san nền, kê móng, trình tường nhà đối với nhà trình tường hoặc dựng khung, lợp mái, thưng ván hoặc vách nứa đối với nhà không trình tường. Khi dựng nhà, việc quan trọng nhất là dựng “cột ma”. Trước khi dựng cột, chủ nhà mổ lợn, gà để cúng “cột ma”.Dựng “cột ma” phải chọn ngày tốt, giờ tốt. Làm xong thì phải làm lễ “ma nhà” và “cột ma”. Chủ nhà phải là người đầu tiên đích thân nhóm lửa vào các bếp để khai mở cuộc sống cho ngôi nhà mới. Mặt khác, làm nhà là việc hệ trọng của một đời người, do đó cũng như các dân tộc khác, ngày vào nhà mới cũng là ngày đại sự của người Mông. Vào ngày hôm ấy, dù giàu hay nghèo người ta đều tổ chức ăn uống vui vẻ, chúc tụng nhau mọi sự tốt lành

Về hình thức và quy mô nhà ở, để chống gió, khí hậu lạnh, sương muối vùng cao, ngôi nhà người Mông là những ngôi nhà trệt, thường thấp, vững chắc, kín đáo. Nhà thường có ba gian, hai chái; hai cửa, cửa chính giữa, cửa phụ ở hai bên đầu hồi. Xung quanh nhà thưng ván, vách nứa hoặc xếp đá làm hàng rào che chắn. Gian giữa nhà là nơi thờ cúng tổ tiên và để dụng cụ sản xuất; hai gian bên mỗi gian là một buồng ngủ hoặc bếp lò. Tùy theo gia chủ họ gì mà bếp lò và buồng ngủ đặt bên trái hay bên phải. Thường họ Thào, họ Giàng, họ Vàng... đặt bếp lò và buồng ngủ ở bên phải, trong khi họ Mùa, họ Hầu... thì đặt ở bên trái.

Cửa chính của nhà thường treo một tấm vải đỏ hình chữ nhật hoặc các tờ giấy bản để cầu phúc. Một số nhà còn treo trước cửa một chén nước nguồn tinh khiết, được múc vào đúng ngày mồng một Tết Nguyên đán với ý nghĩa cầu mong bình yên, mát lành, phúc lộc đầy nhà... Chén nước được bọc bằng vải đỏ treo suốt năm, chỉ được thay nước mới vào ngày đầu năm mới.

Trang phục dân tộc

BẢN ĐỒ

Trang thông tin điện tử Dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu

Chịu trách nhiệm chính: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu

  • Tầng 5, nhà D, khu Trung tâm HC_CT tỉnh, P.Tân Phong, T.P Lai Châu
  • 02133.798.992
  • [email protected]

Theo dõi tại: